Thứ Tư, 2 tháng 11, 2011

Độc quyền dịch vụ ở chung cư có phạm luật?

Ở nhà chung cư, xài dịch vụ có sẵn theo kiểu “có sao xài vậy”, những người dân dù “ghét cay ghét đắng” tình trạng “không có lựa chọn nào khác” nên phải chấp nhận. Đó là thực trạng mà theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, phó chủ tịch hội Luật gia TP.HCM, là không thể chấp nhận. Bởi lẽ, quyền cơ bản nhất của người tiêu dùng là được tự do chọn lựa dịch vụ để sử dụng. Nhưng…

Phải chịu

Như bao người khác, anh G., một cư dân ở chung cư Ngô Tất Tố, quận Bình Thạnh thường giải trí bằng truyền hình sau mỗi ngày làm việc căng thẳng. Tuy vậy, ở nơi anh sống, dịch vụ truyền hình cáp chỉ có nhà cung cấp là trung tâm truyền hình cáp TP.HCM (HTVC). Dịch vụ của đơn vị cung cấp này thiếu một số kênh anh thích và thi thoảng bị mất sóng làm anh G. không bằng lòng.

Ngoài ra, căn hộ của anh được cung cấp sẵn dịch vụ điện thoại và internet của tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT). Sẽ không có gì phàn nàn nếu như chất lượng phục vụ tốt, tuy nhiên ở nhà mình, anh G. ít khi được sử dụng internet ổn định. Do vậy, anh muốn tìm đến nhà cung cấp dịch vụ khác.

Tại bàn trực bảo vệ của ban quản lý chung cư, anh G. nhận được câu trả lời, rằng ở đây chỉ có cáp VNPT đấu sẵn nên không còn lựa chọn nào khác. Không thể chấp nhận cảnh xài dịch vụ không hài lòng mà phải trả tiền, anh G. cắt internet và bỏ tiền mua thiết bị 3G. “Tình trạng độc quyền ở chung cư làm chúng tôi rất chán nhưng không thể không dùng. Mỗi lần chúng tôi phản ánh, đều nhận được giải đáp là hệ thống cáp viễn thông đã đấu nối sẵn với toà nhà nên không thể thay đổi”, anh G. nói.

Tình trạng này ở chung cư không chỉ diễn ra ở TP.HCM mà còn ở tỉnh. Chị Nguyệt nhà ở chung cư An Bình, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương bộc bạch: chị rất thích xem kênh truyền hình MTV nhưng dịch vụ truyền hình cáp của SCTV ở khu vực nhà chị không có. Trước đây, khi còn ở một chung cư khác tại TP.HCM, cũng vì không có kênh MTV nên chị liên hệ với nhà cung cấp HTVC để làm hợp đồng. Đơn vị này nói với chị nơi chung cư chị đang ở thuộc độc quyền của SCTV nên không có cáp của HTVC.

Chị Nguyệt cho biết: “Lúc mua nhà, tôi không để ý đến chi tiết nhà cung cấp dịch vụ truyền hình cáp, internet… nên đành chấp nhận. Bây giờ tôi vẫn không thể dùng dịch vụ của nhà cung cấp khác và vẫn chưa được xem kênh MTV”.


“Bút sa”, khiếu nại cũng khó

Cùng suy nghĩ với chị Nguyệt, anh Việt nhà ở chung cư Him Lam – Nam Khánh, quận 8 nói thêm, khi mua nhà điều quan tâm đầu tiên của khách hàng là tiện ích của ngôi nhà. Đó là chất lượng của nước sạch, điện, diện tích, nội thất, giá cả… chứ ít ai chú ý tới các giá trị gia tăng khác như truyền hình cáp, internet. Đến khi sở hữu được ngôi nhà mình ưng ý mới bắt đầu phát sinh ý nghĩ hưởng thụ với các loại hình giải trí như trên. Thế rồi mọi thứ dễ trở nên nản với chuyện độc quyền.

“Thường thì nếu người chủ căn hộ hài lòng với phần lớn ưu điểm ngôi nhà như sạch sẽ, văn minh, giữ xe giá hợp lý… thì dễ bỏ qua các khiếm khuyết từ độc quyền. Còn ngược lại thì sẽ đem lại khó chịu”, anh Việt nói.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, phó chủ tịch hội Luật gia TP.HCM, người có nhiều góp ý để các cơ quan soạn thảo luật bảo vệ người tiêu dùng cho rằng, chuyện độc quyền ở chung cư cần phải được phá bỏ. Bởi lẽ quyền cơ bản nhất của người tiêu dùng là được tự do chọn lựa nhà cung cấp dịch vụ. Cách nói của chủ đầu tư, rằng hệ thống cáp đã được trang bị từ trước là không phù hợp với những quyền của người tiêu dùng được luật bảo vệ.

Tuy nhiên, luật sư Hậu cũng lưu ý là nếu những chung cư có ghi rõ trong hợp đồng mua bán căn hộ, là sử dụng dịch vụ của nhà cung cấp cụ thể thì cư dân ở đó không thể khiếu nại.

“Khi hợp đồng không có điều khoản quy định này, thì nếu bị ép phải xài dịch vụ có sẵn dù mình không thích, người dân có thể tìm đến hội Bảo vệ người tiêu dùng để được tư vấn, hỗ trợ. Không thể vì hạ tầng làm trước mà không cho người tiêu dùng có quyền chọn lựa dịch vụ theo ý muốn”.
Theo SGTT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét