Thứ Hai, 2 tháng 4, 2012

Ly hôn có được chia nhà, đất?


Trước khi kết hôn, chồng tôi được bố mẹ cho thửa đất để xây nhà. Sau kết hôn, vợ chồng tôi đã xây dựng căn nhà 03 tầng trên mảnh đất này (bằng tiền do bố mẹ chồng cho). Sau đó, chúng tôi nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở mang tên hai người. Nay chúng tôi ly hôn, tôi có quyền yêu cầu chia tài sản này không?  (Nguyễn Bích Hạnh, Cầu Giấy, Hà Nội)

Trả lời:
Theo quy định tại Điều 27 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000, thì: Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thoả thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng. Quyền sử dụng đất mà vợ hoặc chồng có được trước khi kết hôn, được thừa kế riêng chỉ là tài sản chung khi vợ chồng có thoả thuận.
Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất.
Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong giấy chứng nhận quyền sở hữu phải ghi tên của cả vợ chồng.
Trong trường hợp không có chứng cứ chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó là tài sản chung.
Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 cũng quy định cụ thể về tài sản riêng của vợ chồng (tại khoản 1 Điều 29, Điều 30, Điều 32): Tài sản riêng của vợ, chồng gồm: Tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; Tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; Tài sản được chia riêng trong trường hợp vợ, chồng thoả thuận (bằng văn bản) chia từ khối tài sản chung khi hôn nhân đang tồn tại để đầu tư kinh doanh riêng và hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản có được trong trường hợp này.
Như vậy, quyền sử dụng thửa đất và căn nhà trên đất có nguồn gốc là tài sản riêng của chồng chị. Tuy nhiên, sau đó vợ, chồng chị làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở và trên Giấy chứng nhận này ghi tên của cả hai vợ chồng, có nghĩa là hai người đã thỏa thuận gộp khối tài sản riêng thành tài sản chung. Vợ, chồng chị có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản chung. Trường hợp vợ, chồng chị có đơn yêu cầu tòa án giải quyết việc ly hôn, chị có quyền yêu cầu được chia khối tài sản trên.
Luật sư Phạm Ngọc Minh
(Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, E-mail: info@youmevietnam.com)

Phạm tội trong tình trạng say rượu có được miễn trách nhiệm?


Hỏi: Người phạm tội trong tình trạng không thể nhận thức việc làm của mình như trường hợp bị say rượu hoặc say do dùng chất kích thích mạnh khác có thể được miễn hoặc giảm trách nhiệm không, rất mong được sự giải đáp của Chuyên mục. (Lê Tuấn Anh, Đông Anh, Hà Nội)

Trả lời:
Trong tình trạng say do rượu hoặc say do dùng chất kích thích mạnh khác, người say có thể bị giảm sút hoặc mất hoàn toàn năng lực nhận thức và năng lực điều khiển hành vi trong một khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên, pháp luật hình sự vẫn quy định: thực hiện tội phạm trong tình trạng say phải chịu trách nhiệm hình sự. Bởi, khi đặt mình vào tình trạng say, tức là người này đã tự đặt mình vào tình trạng năng lực trách nhiệm hình sự hạn chế hoặc loại trừ. Họ đã tự tước bỏ năng lực nhận thức và năng lực điều khiển hành vi của mình, do đó họ có lỗi với tình trạng say của mình, đồng thời cũng có lỗi khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là tội phạm. Tại Điều 14 Bộ luật Hình sự năm 1999, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (BLHS) quy định: “Người phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Khi uống rượu hoặc sử dụng chất kích thích mạnh khác, người ta có thể lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của mình, tức là trong tình trạng đó không tồn tại điều kiện chủ quan thực tế để có lỗi. Song xuất phát từ việc cho rằng, tình trạng không nhận thức và điều khiển hành vi ở người say chỉ là tạm thời, không phải là kết quả do những nguyên nhân ổn định, tiềm tàng từ chính bên trong chủ thể đưa lại như năng lực nhận thức và năng lực điều khiển hành vi tự nó sẽ được khôi phục vì trước đó họ là người bình thường. Do đó, buộc một người phải chịu trách nhiệm hình sự về việc thực hiện tội phạm trong tình trạng say rượu hay say do dùng chất kích thích mạnh khác là sự quy kết tội phạm khách quan, hợp pháp và còn có ý nghĩa tác động giáo dục mạnh mẽ không chỉ đối với người đó, mà còn đối với người khác: không được quá lạm dụng rượu hoặc chất kích thích để dẫn đến thực hiện tội phạm.
BLHS không coi việc say do sử dụng rượu, bia quá nồng độ quy định hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác là tình tiết để giảm nhẹ hoặc miễn trách nhiệm hình sự. Thậm chí đối với một số tội phạm, BLHS còn coi  đây là các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự (ví dụ: Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ  (Điều 202), Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt (Điều 208); Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thuỷ  (Điều 212)...).
Luật gia Trần Thị Lan
(Công ty Luật TNHH YouMe, Website: www.youmevietnam.com)

Về trợ cấp thôi việc khi chấm dứt Hợp đồng lao động

Hỏi: Một số lao động tại công ty tôi làm việc theo chế độ hợp đồng lao động (HĐLĐ) xác định thời hạn 12 tháng xin thôi việc. Họ đã bàn giao công việc, tài sản cho công ty trước khi nghỉ, cũng như tuân thủ quy định về thời hạn báo trước 30 ngày. Tuy nhiên, công ty thông báo, sẽ không trợ cấp cho những lao động tự xin nghỉ, trong khi những người thôi việc trước đó vẫn được hưởng trợ cấp ½ tháng lương và phụ cấp. Đề nghị Quý Báo tư vấn, việc áp dụng chế độ không đồng đều đối với người lao động như vậy có vi phạm luật lao động không? (Khánh Ly, Email: khanhly_106@yahoo.com)
Trả lời:
Khoản 1 Điều 37 Bộ luật lao động (BLLĐ) đã được sửa đổi, bổ sung năm 2002, quy định người lao động làm việc theo chế độ HĐLĐ xác định thời hạn từ 12 tháng trở lên có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn khi thuộc các trường hợp: a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm các điều kiện làm việc đã thoả thuận trong hợp đồng; b) Không được trả công đầy đủ hoặc trả công không đúng thời hạn đã thoả thuận trong hợp đồng; c) Bị ngược đãi; bị cưỡng bức lao động; d) Bản thân hoặc gia đình thật sự có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng; d) Được bầu làm nhiệm vụ chuyên trách ở các cơ quan dân cử hoặc được bổ nhiệm giữ chức vụ trong bộ máy nhà nước; e) Người lao động nữ có thai phải nghỉ việc theo chỉ định của thầy thuốc; g) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 03 tháng liền đối với người làm việc theo HĐLĐ xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng và một phần tư thời hạn hợp đồng đối với người làm việc theo HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa được hồi phục.
BLLĐ có quy định về trợ cấp thôi việc khi chấm dứt HĐLĐ quy định tại Điều 42; Nghị định số 44/2003/NĐ-CP (ngày 09/05/2003, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của BLLĐ về HĐLĐ), có hướng dẫn chi tiết vấn đề này tại Điều 14, theo đó:
Người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cứ mỗi năm làm việc là nửa tháng lương, cộng với phụ cấp lương (nếu có) đối với người lao động đã làm việc từ đủ 12 tháng trở lên quy định tại khoản 1 Điều 42 của BLLĐ trong các trường hợp chấm dứt HĐLĐ quy định tại Điều 36 của BLLĐ; Điều 37, các điểm a, c, d và điểm đ khoản 1 Điều 38, khoản 1 Điều 41, điểm c khoản 1 Điều 85 của BLLĐ đã sửa đổi, bổ sung
Trường hợp chấm dứt HĐLĐ quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 85 và nghỉ hưởng chế độ hưu trí hàng tháng quy định tại Điều 145 của BLLĐ đã sửa đổi, bổ sung người lao động không được trợ cấp thôi việc.
Trường hợp người lao động chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật quy định tại khoản 2 Điều 41 của BLLĐ đã sửa đổi, bổ sung là chấm dứt không đúng lý do quy định tại khoản 1 hoặc không báo trước quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 37 của BLLĐ đã sửa đổi, bổ sung thì không được trợ cấp thôi việc.
Khoản 6 Điều 139 Luật BHXH năm 2006 quy định: Thời gian người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Luật BHXH không được tính để hưởng trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật về lao động, pháp luật về cán bộ, công chức.
Do đó, để được hưởng chế độ trợ cấp thôi việc, ngoài việc báo trước cho người sử dụng lao động biết trước 30 ngày, người lao động phải đáp ứng điều kiện đã làm việc tại doanh nghiệp “từ đủ 12 tháng trở lên” và thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 37 BLLĐ đã sửa đổi, bổ sung năm 2002. Thời gian người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp không được coi là thời gian tính trợ cấp thôi việc.
Anh (chị) cần lưu ý, giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc cho người lao động còn căn cứ vào thoả thuận giữa các bên tại HĐLĐ, thoả ước lao động tập thể, quy chế riêng của doanh nghiệp và theo nguyên tắc quyền lợi của người lao động được hưởng không thấp hơn mức do pháp luật quy định.
LS Phạm Ngọc Minh 
(Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, E-mail: youmevietnam.com)

phạm tội cưỡng dâm?


Hỏi: Thế nào được coi là phạm tội cưỡng dâm. Hình phạt đối với tội phạm này như thế nào? Rất mong sự giải đáp của Chuyên mục. (Bích Ngọc, Sài Đồng, Hà Nội)

Trả lời:
Cưỡng dâm là hành vi “dùng mọi thủ đoạn khiến người lệ thuộc mình hoặc người đang ở trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu” (khoản 1 Điều 113 Bộ luật Hình sự).
Người bị hại của tội phạm này là người (thông thường là  phụ nữ) có quan hệ lệ thuộc với người phạm tội, hoặc là đang ở trong tình trạng quẫn bách.
Quan hệ lệ thuộc ở đây có thể là lệ thuộc về mặt công tác, như: giữa thủ trưởng với nhân viên, về mặt kinh tế như giữa người nuôi dưỡng và người được nuôi dưỡng, về mặt tín ngưỡng hay gia đình…
Đang ở trong tình trạng quẫn bách là trường hợp người (phụ nữ) đang ở trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, tự mình không thể (hoặc khó có thể) khắc phục được, mà đòi hỏi phải có sự hỗ trợ của người khác, như: trường hợp người thân trong gia đình bị mắc bệnh hiểm nghèo khi hoàn cảnh lại đang túng thiếu nghiêm trọng.
Người phạm tội đã lợi dụng quan hệ lệ thuộc hoặc hoàn cảnh có khó khăn đặc biệt nói trên của nạn nhân để khống chế tư tưởng họ, buộc họ phải miễn cưỡng giao cấu. Thủ đoạn mà người phạm tội sử dụng để khống chế có thể là đe dọa, hoặc hứa hẹn.
Người phạm tội có thể lợi dụng quan hệ lệ thuộc, lợi dụng uy thế của mình dọa sẽ gây thiệt hại cho người bị lệ thuôc nếu như không chịu giao cấu, như dọa chuyển công tác, dọa không nuôi dưỡng, dọa hủy hợp đồng lao động… Hành vi đe dọa của tội cưỡng dâm chưa tới mức làm người bị đe dọa tê liệt ý chí, không dám kháng cự. Người bị đe dọa chỉ bị khống chế tư tưởng, họ vẫn có khả năng phản kháng nhưng đã miễn cưỡng chịu giao cấu.
Người phạm tội cưỡng dâm cũng có thể lợi dụng quan hệ lệ thuộc, lợi dụng uy thế của mình, hoặc lợi dụng người đang trong tình trạng quẫn bách, hứa hẹn mang lại quyền lợi nào đó cho người (phụ nữ) nếu như họ chịu giao cấu, như hứa cho chuyển công tác, tăng chức. Tuy  nhiên, sự hứa hẹn ở đây phải có tính chất là sự khống chế về tư tưởng người bị hại, buộc họ phải miễn cưỡng chấp nhận sự giao cấu. Những trường hợp hứa hẹn khác không thuộc phạm vi của tội này.
Người phạm tội hiếp dâm với lỗi cố ý, nghĩa là người phạm tội biết nạn nhân là người lệ thuộc mình, hoặc biết họ đang trong tình trạng quẫn bách. Người phạm tội cũng biết hành vi đe dọa hay hứa hẹn của mình là hành vi lợi dụng quan hệ lệ thuộc hoặc lợi dụng tình trạng quẫn bách của người phụ nữ để buộc họ miễn cưỡng giao cấu.
Người phạm tội cưỡng dâm có thể phải chịu hình phạt tù từ 06 tháng đến 18 năm, tùy từng mức độ vi phạm, ngoài ra còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành  nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Luật gia Trần Thị Lan
(Công ty Luật TNHH YouMe, Website: www.youmevietnam.com)

Từ chối tình dục khi đang yêu nhau

Nhiều bạn trẻ mới chỉ yêu nhau nhưng đã được đối phương đề nghị chuyện 
tình dục. Các bạn gái thường rất bối rối, còn một số bạn trai cảm thấy nếu như yêu mà không tình dục thì bị coi là yếu kém.




Các chuyên gia về tình dục đã chỉ ra một số cách để từ chối quan hệ tình dục:
- Yêu nhau, hai bạn dễ có những lúc ở riêng với nhau, nói chuyện tâm tình, âu yếm hôn nhau. Những lúc ấy bạn có thể bị kích thích, và người yêu của bạn cũng thế. Vậy hay nhất là có ý thức tránh ngay từ đầu những tình huống “tiến thoái lưỡng nan”. Đừng dẫn nhau đi vào công viên buổi tối, đừng đến nhà nhau khi không có ai khác ở nhà. Hãy dừng việc âu yếm khi nó đang trở nên quá say đắm, “khó có đường về”.
- Bạn cũng nên trao đổi thẳng thắn với người yêu những suy nghĩ về tình dục, rằng đối với bạn bây giờ chưa phải lúc. Những lúc trao đổi đó không những tránh cho bạn những phút giây khó xử, mà còn giúp hai bạn hiểu nhau hơn, gắn bó với nhau hơn.
- Nếu người yêu bạn có đề nghị quan hệ tình dục, dù đề nghị bằng lời nói hay bằng hành động, bạn hãy luôn cương quyết từ chối. Cương quyết có thể là mềm mỏng thuyết phục người yêu, hãy nói: “Đừng làm thế. Em không muốn thế đâu anh”, “Em muốn chuyện này hãy để đến lúc cưới nhau đã”, “Anh cảm thấy mình chưa đến mức gần nhau như thế”, “Chúng mình đi ăn kem đi, thú hơn". Những lúc cảm thấy nguy kịch thì cũng nên mạnh mẽ, dứt khoát: “Anh phải tôn trọng em chứ”, thậm chí đứng lên bỏ đi nơi khác.
- Bạn đừng ngại tỏ ra cương quyết với người yêu. Cái gốc của tình yêu cũng như bất cứ tình cảm tốt đẹp nào khác của con người là lòng tôn trọng. Bạn hãy tôn trọng suy nghĩ của mình, và nếu là tình yêu chân chính thì người yêu của bạn cũng tôn trọng bạn. Thiếu những sự tôn trọng đó, tình cảm dù lãng mạn cũng không còn là đáng quý nữa.
P.N

Stress ảnh hưởng đến tình dục

Nhiều người hiểu stress là thuật ngữ để chỉ mọi khó chịu thường xuyên tác động đến con người nhưng không biết rằng stress còn gây ra ở cơ thể một đáp ứng sinh học trước những kích thích vật chất, tâm lý hay giác quan, giống như một phản xạ với 3 giai đoạn: báo động, chống cự và kiệt quệ.

Cơ thể đã phản ứng trong tình trạng bị stress: Đầu tiên, khi cơ thể đối diện với những tác động âm tính (buồn, lo sợ, tức giận…), hệ thần kinh gửi tín hiệu đến vùng dưới đồi trong não và vùng này ra lệnh cho tủy tuyến thượng thận giải phóng adrenalin. Hormon này cung cấp năng lượng cho cơ thể, làm nhịp và cung lương tim tăng lên, đem lại nhiều ôxy cho cơ và mô, giúp cho gan tiết ra đường và mỡ. Trong giai đoạn đầu này, trí nhớ và phản xạ cũng được cải thiện. Đồng tử giãn nên nhìn rõ hơn. Dù tác nhân kích thích là gì thì đáp ứng sinh học diễn ra trong cơ thể vẫn không thay đổi.
Nếu tác nhân kích thích vẫn tiếp tục: Cơ thể sẽ bước vào giai đoạn chống cự. Trong tình trạng này, cơ thể huy động mọi nguồn lực để lập lại sự cân bằng mới bằng cách tiết ra nhiều hormon khác như endorphine (có tác dụng gây yên tĩnh), cortisol, dopamin, serotonine và cả các hormon giới. Ở giai đoạn này, về phương diện sinh học, stress được coi như một tác nhân kích thích có lợi giúp cơ thể phản ứng để tồn tại trong những hoàn cảnh có thể xem là nguy hiểm.
Nhưng coi chừng để không đi quá xa: Nếu tình trạng stress vẫn kéo dài và cơ thể không còn khả năng đối phó vì năng lượng cần thiết đã tiêu hao quá lớn thì sẽ chuyển sang giai đoạn kiệt quệ. Cơ chế bảo vệ không còn hoạt động được nữa, điều đó làm cho cơ thể trở nên cực kỳ nhạy cảm với những tác nhân kích thích từ môi trường bên ngoài, rơi vào trạng thái quá căng thẳng, van an toàn không chịu đựng nổi nữa... khi đó xuất hiện cảm giác mỏi mệt, giận dữ, thậm chí cả trạng thái trầm cảm.
Trước tác động của stress, mỗi cá thể có đáp ứng khác nhau và trong cuộc sống luôn có những yếu tố làm cho trạng thái stress nặng lên: ở một vài giai đoạn của cuộc đời, một số trạng thái tâm lý (tuổi vị thành niên, khi có bệnh, người có sức khỏe tinh thần yếu kém…).
Suy giảm chức năng tình dục ở nam, có thể do stress
Người ta biết nhiều về tác dụng giải tỏa stress của tình dục nhưng lại biết rất ít về ảnh hưởng của stress đến đời sống tình dục. Không thiếu gì những tác nhân gây stress (khó khăn trong nghề nghiệp, nghèo túng, tang tóc, tai nạn, bệnh tật...) đều có thể gây ra những rối loạn về chức năng tình dục, có thể ngắn hay dài hạn (suy giảm ham muốn, khả năng cương dương…). Để không rơi vào vòng luẩn quẩn của thất bại, cần biết tìm ra các giải pháp.
Khi thấy giảm ham muốn, giảm tần suất quan hệ tình dục hay có rối loạn về cương dương, cần loại trừ yếu tố stress trước tiên. Ở Pháp, cứ 5 người đàn ông thì có một người bị rối loạn cương dương thường xuyên hay tạm thời. Trong đại đa số trường hợp, những trục trặc này có nguồn gốc tâm lý hay phối hợp (có một phần do tâm lý). Nhìn chung, có đến 29% nam giới bị rối loạn cương dương do stress, thường xảy ra ở những người đàn ông ở độ tuổi từ 35 đến 49, đã có vợ con, giữ những trọng trách và phải lao động bằng trí óc nhiều hoặc gặp khó khăn trong công việc, lo lắng về sức khỏe và tiền bạc.
Stress có ảnh hưởng xấu đến tình trạng tinh thần, thể chất và cả giấc ngủ. Sự mất ngủ làm cho tâm trí không thanh thản và vì thế có ảnh hưởng đến chức năng tình dục (khoảng 4 trong số 10 nam giới thú nhận điều này). 86% số trường hợp có giảm tần suất quan hệ tình dục hay giảm ham muốn. Những rối loạn về cương dương không phụ thuộc vào tuổi mà thay đổi theo từng cá thể, mỗi người có cách kiểm soát stress khác nhau. Trạng thái mạnh yếu về tâm lý cũng tỉ lệ thuận với mức độ rối loạn. Có điều gần như thống nhất ý kiến là ở nam giới quan hệ tình dục đều đặn và đem lại sự thoải mái làm giảm cường độ stress.   
Giải pháp nào? Sử dụng liệu pháp tâm lý hay dùng thuốc; đôi khi chỉ cần chia sẻ với thầy thuốc đã có thể giúp cho nam giới có thêm sự tự tin. Từ nhiều năm nay, việc điều trị rối loạn cương dương bằng thuốc đã tỏ ra có hiệu quả, giúp cho nhiều nam giới lập lại đời sống tình dục bình thường. 
    BS Đào Xuân Dũng

Người yêu cho nếm… trái đắng

Em có một tình yêu kéo dài đã 4 năm, nhưng 6 tháng nay tình cảm có vẻ phai nhạt, phần vì công việc bận rộn nên em không quan tâm đến cô ấy nhiều như trước, phần vì yêu đã lâu mà tụi em lại không biết làm mới tình yêu nên cũng dần nhàm chán.
Cách đây mấy tháng em và cô ấy có cãi nhau, mấy tuần liền không gặp. Trong khoảng thời gian đó, cô ấy đã đi chơi với người khác mà em không hề biết, bạn em nhìn thấy họ khoác tay nhau đã về nói với em, nhưng em không tin là cô ấy lại như vậy, vì cô ấy cũng rất yêu em. Sau đó tụi em làm lành và quay lại với nhau, cũng chính thời gian đó em được cơ quan cử đi công tác 2 tháng. Cô ấy và một người bạn gái chuyển đến phòng em ở nhờ, tuần nào em cũng về thăm. Hết đợt công tác trở về Hà Nội, thấy cô ấy chưa thuê được nhà nên em đành đi ở nhờ để cô ấy và bạn mình ở đó.
Một buổi tối, tự nhiên em cảm thấy sốt ruột vô cùng, đứng ngồi không yên, em liền đến chỗ cô ấy và không còn tin vào mắt mình nữa: cô ấy và một người con trai khác đang nằm trên giường của em. Em như chết đứng không biết phải làm gì, rồi lẳng lặng quay gót, không để cho cô ấy biết em đã nhìn thấy. Em ngồi ở quán nước đầu ngõ rất lâu và nhìn thấy họ đi ra đường, ôm nhau rất tình cảm. Thật nhục nhã. Em nhắn tin thì cô ấy trả lời như không có chuyện gì xảy ra (cô ấy không hề biết bị em theo dõi).
Điều mà em không thể hiểu nổi là vừa hôm trước cô ấy còn đi với em vào nhà nghỉ, vậy mà hôm sau cô ta đã có thể ôm người khác được? Hai ngày sau em hẹn cô ấy ra ngoài nói chuyện, cô ấy dửng dưng bảo “giữa hai chúng ta chẳng có gì để nói”, rồi đề nghị chia tay, bởi cô ấy đã có bạn trai mới. Em không giữ được bình tĩnh nên đã chửi cô ấy là “con cave”, rồi xách xe đi thẳng.
10 ngày trôi qua, dù đã quyết định chia tay dứt khoát nhưng trong lòng em vẫn nhớ thương cô ấy vô cùng. Cô ấy cũng nhắn tin, chat và viết trên blog cho em rất nhiều, nói rằng quan hệ giữa cô ấy với chàng trai kia không có gì, cô ấy chỉ muốn khiêu khích để em chú ý tới cô ấy nhiều hơn mà thôi. Em không hiểu cô ấy là loại người thế nào và có nên tin vào những điều cô ta nói không? Em phải xử sự ra sao để tránh được sai lầm?
         Phạm Mạnh (Hà Nội)
Phạm Mạnh thân mến,
Chuyện của em “ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu”, tức là em đang để tình cảm lất át hoàn toàn lý trí khiến em mất khả năng phân biệt phải trái và mất khả năng tự phân tích, suy xét để đưa ra quyết định đúng đắn. Tình cảm là yếu tố rất quan trọng,vì phải có nó thì con người mới sống được bình thường, nhưng nếu để tình cảm kiểm soát thì cuộc sống sẽ đi vào bế tắc và ta phải thường xuyên đối mặt với những khó khăn đau khổ mà không phải lúc nào ta cũng đủ sức chịu đựng và vượt qua. Em đang ở trong tình trạng như vậy.
Người yêu của em thực ra đã dần dần trở nên suy đốn chứ không phải đột nhiên “giở chứng”, chính em cũng có phần trách nhiệm trong chuyện này. Từ sự quan tâm của em không đủ, đến những tác động xã hội, cộng với bản chất vốn không được vững vàng đã khiến người yêu của em sa ngã. Giờ đây cô ấy đã dám làm những việc trơ trẽn như vậy, sau đó thản nhiên chia tay rồi lại trở về dối trá rằng làm vậy chỉ để khiêu khích em chú ý đến mình... Những hành động này chỉ chứng tỏ hai điều: thứ nhất cô ấy đã tha hóa hoàn toàn, thứ hai cô ấy vẫn đang coi em như một gã khờ để có thể tiếp tục lợi dụng, đùa giỡn.
Khi vừa mất đi một tình yêu mà mình đã quá kỳ vọng vào nó thì cảm giác nuối tiếc, thương nhớ là điều không tránh khỏi, song không thể khẳng định như vậy là “vẫn còn tình yêu” được. Sự thật là đã xảy ra một cuộc đổ vỡ chôn vùi tới tận gốc rễ niềm tin và tình cảm nơi em. Tới lúc này em vẫn luôn bị dằn vặt, ám ảnh bởi sự “phản bội” của con người mà em đã từng cho là có tư cách “cave” như vậy thì làm sao có thể tính chuyện gắn bó lâu dài được nữa? Hãy mạnh dạn quyết định. Chúc em đủ tỉnh táo để giải quyết dứt điểm vấn đề của mình.
    TRI ÂM