Thứ Ba, 7 tháng 2, 2012

6 biện pháp phòng ngừa bệnh tim và bệnh tiểu đường


Theo xếp hạng, bệnh tim là "kẻ giết người" số 1 tại Mỹ và gần 26 triệu người Mỹ bị bệnh tiểu đường. Thông tin này thực sự đáng báo động đối với sức  khỏe con người.

Nếu bạn thực sự không mong muốn phải bắt đầu một ngày mới bằng thuốc hoặc những mũi tiêm, bạn cần thay đổi lối sống hàng ngày và từ bỏ tất cả các thói quen không lành mạnh.

1. Trước hết, cần tạm thời tránh xa thức ăn nhanh và chuyển sang dùng salad, đậu và rau súp, ngũ cốc cùng trái cây. Salad nên sử dụng đầy đủ các loại rau xanh và tươi, trộn thêm một chút dầu. Hơn 100 nghiên cứu đã ghi nhận những lợi ích của chế độ ăn uống lành mạnh trong việc giảm nguy cơ bệnh tiểu đường loại 2 và bệnh tim.

2. Bên cạnh đó, cần loại bỏ các loại đồ uống có lượng calo rỗng. Đó là những loại đồ uống có đường và sữa nguyên kem. Thay vì uống nước ép trái cây, hãy ăn trái cây tươi sẽ tốt hơn cho sức khỏe của bạn.
Nên ăn nhiều rau xanh, trái cây để tránh được nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và bệnh tim.
Nên ăn nhiều rau xanh, trái cây để tránh được nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và bệnh tim.
3. "Sống năng động" là "câu thần chú" quan trọng đối với tất cả mọi người giúp tránh được nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và bệnh tim. Mỗi người nên duy trì các hoạt động thể chất thường xuyên, nó góp phần mang lại cho bạn cơ thể luôn tràn đầy năng lượng. Cách tốt nhất là đi bộ 1 dặm (tương đương 1,6km) mỗi ngày. Tập thể dục cũng giúp giữ lượng đường trong máu được kiểm soát ít chất insulin hơn.

4. Ăn quá nhiều muối có thể dẫn đến tình trạng huyết áp cao, làm tăng đáng kể nguy cơ biến cố tim mạch như đột quỵ và đau tim. Nhiều người không biết rằng một lượng muối khổng lồ chứa ngay trong các loại đồ ăn trên kệ siêu thị và trong thực đơn của các nhà hàng. Theo các chuyên gia, nhu cầu muối ăn trung bình của một người là khoảng 16g/ngày, trong đó có tới 10g đã có sẵn trong thực phẩm tự nhiên. Vì vậy, đối với người bình thường cũng chỉ nên ăn 5-6g muối/ngày. Riêng đối với những người tăng huyết áp, nên áp dụng chế độ ăn nhạt, 2-3g muối/ngày.
5. Ăn quá nhiều chất béo bão hòa chứa trong thịt đỏ và các sản phẩm nguyên sữa sẽ làm tăng lượng cholesterol trong máu. Người mắc bệnh tiểu đường nên ăn thịt nạc hàng ngày. Các chất béo tốt nhất cho sức khỏe tim mạch là omega 3, được tìm thấy nhiều trong cá. Cá bơn, cá trích, cá hồi, cá rô phí, tôm, sò, thịt gia cầm không da, thịt thăn chính là nguồn protein lý tưởng cho người bị đái tháo đường.
6. Stress cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người. Một nghiên cứu cho thấy những người không nghỉ phép hàng năm chiếm tới 32% trong số người có khả năng chết vì bệnh tim. Vì vậy, bất cứ ai cũng nên sắp xếp thời gian nghỉ phép năm và lên kế hoạch cho một kỳ nghỉ thoải mái, giúp tinh thần được thư giãn và sức khỏe được đảm bảo. Nên ngủ đủ giấc, gặp gỡ bạn bè, người thân và dành những khoảng thời gian riêng cho các mối quan tâm của bản thân. Những lưu ý này tưởng chừng đơn giản nhưng chúng luôn giúp bạn khỏe mạnh, cân bằng.
Linh Nhi

Cách phòng tránh viêm não mô cầu


Viêm màng não mô cầu là bệnh lây qua đường hô hấp. Vậy căn bệnh này có dễ lây? Đâu là những biện pháp phòng tránh hiệu quả, nhất là đối với trẻ em? PGS-TS Nguyễn Trần Hiển - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư - đã đưa ra những khuyến cáo.

Ai dễ mắc bệnh? 

Nguồn bệnh đối với căn bệnh này duy nhất là người. Đó là các bệnh nhân hoặc người lành mang vi khuẩn không triệu chứng. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, do tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp qua đồ vật với các hạt nước bọt và dịch tiết mũi họng của bệnh nhân. Những người có nguy cơ mắc bệnh cao hơn là người sống ở nơi đông đúc, hút thuốc lá, cắt lách, nhiễm HIV, đi đến vùng có dịch... Yếu tố di truyền cũng có thể làm tăng tính cảm nhiễm với bệnh.
Trẻ em là đối tượng cần được chú trọng chăm sóc sức khoẻ, nhất là trong mùa lạnh (ảnh minh hoạ). Ảnh: L.Q.V
Trẻ em là đối tượng cần được chú trọng chăm sóc sức khoẻ, nhất là trong mùa lạnh (ảnh minh hoạ). Ảnh: L.Q.V
Dấu hiệu nhận biết bệnh?

Sau khi não mô cầu xâm nhiễm vào cơ thể, thời gian ủ bệnh thường 3-4 ngày. Bệnh biểu hiện rất đa dạng: Viêm mũi họng, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não, viêm khớp, viêm màng trong tim. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh gồm sốt đột ngột, đau đầu, chán ăn, kích thích, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, sợ ánh sáng, cổ cứng, ly bì, co giật có thể có ban xuất huyết hoại tử trong trường hợp có nhiễm khuẩn huyết.

Cần phân biệt viêm màng não do não mô cầu với các bệnh viêm màng não do virus và do các vi khuẩn khác. Khi thấy sốt cao, đau họng, đau đầu, cổ cứng, nôn, cần đi khám ngay để được chẩn đoán sớm và điều trị đúng, tránh để muộn sẽ gặp biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.

Làm thế nào phòng tránh?

Chủ động phòng bệnh người dân cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xàphòng, súc họng thường xuyên bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường. Vệ sinh, lau sạch sàn nhà, đồ vật và tay nắm cửa, tay vịn cầu thang bằng xàphòng hay các chất tẩy rửa thông thường, thông thoáng nơi ở và nơi làm việc. Hạn chế tụ họp nơi đông người và hạn chế tối đa tiếp xúc với bệnh nhân và người nghi ngờ mắc bệnh. Tiêm vắcxin phòng bệnh. Hiện có nhiều loại vắcxin não mô cầu tùy theo có chứa một, hai, ba hay 4 nhóm kháng nguyên khác nhau của vi khuẩn não mô cầu. Tùy theo tình hình phân bố và lưu hành các nhóm vi khuẩn mà lựa chọn vắcxin phù hợp. Các vắcxin đang được sử dụng trong tiêm chủng dịch vụ ở Việt Nam là vắcxin chứa 4 nhóm kháng nguyên A, C, Y và W-135; vắcxin chứa 2 nhóm kháng nguyên A và C; hoặc vắcxin chứa 2 nhóm kháng nguyên B và C của vi khuẩn não mô cầu... Tùy loại vắcxin, có thể tiêm cho trẻ từ tháng tuổi thứ ba hay lớn hơn và các đối tượng sống trong vùng dịch hoặc phải đi đến vùng dịch, học sinh trường nội trú, doanh trại quân đội, nhà tù, các vùng có mật độ dân cư cao hoặc các cộng đồng có ghi nhận bệnh nhân viêm não mô cầu. Cũng tùy loại vắcxin mà có thể tiêm 1 hay 2 liều, tiêm bắp hay tiêm dưới da.

Không được tiêm cho người quá mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của vắcxin, các trường hợp sốt, nhiễm khuẩn cấp tính và dị ứng đang tiến triển và các bệnh mạn tính. Cần thận trọng khi tiêm cho phụ nữ mang thai trừ khi thật cần thiết và nguy cơ dịch tễ học cao.
Ng.H ghi

Cẩn thận với bệnh hô hấp mùa xuân



Thời tiết lạnh, ẩm vào mùa xuân cũng là mùa bùng phát mạnh các bệnh hô hấp ở trẻ . Để chữa  trị những bệnh này, các bác sĩ khuyến cáo cần nắm rõ các triệu chứng và cách dùng thuốc cho từng căn bệnh.

1.Viêm đường hô hấp trên (viêm mũi họng cấp) là bệnh phổ biến nhất ở trẻ em trong mùa xuân. Trẻ thường ho kèm theo chảy nước mũi, có thể kèm theo sốt nhưng không khó thở.
Ho là một phản ứng của cơ thể để tống các chất lạ hoặc chất nhầy tiết nhiều quá ra khỏi các ống dẫn khí. Bởi vậy, ho là một phản ứng bảo vệ cần thiết của cơ thể nên nhiều khi không nên tìm cách ngăn cản triệu chứng ho.
Một số thuốc an thần, giảm ho có khi lại có hại, làm cho trẻ khó thở. Nên cho trẻ dùng các loại thuốc có tác dụng làm loãng cả chất nhầy để dễ tống chúng ra ngoài (nhỏ mũi bằng natriclorua 0,9%). Chỉ khi trẻ ho khan nhiều quá, bị mất sức vì ho ban đêm thì mới cho uống thuốc ho và an thần (như theralene…) để làm dịu cơn ho. 
2.Viêm phế quản: Là bệnh hay gặp ở trẻ lớn trên 5 tuổi. Trẻ thường có các triệu chứng như sốt, ho nhưng không thở nhanh hoặc co rút lồng ngực nếu được chữa trị sớm bằng một thuốc kháng sinh. Thường thì bệnh khỏi trong vòng vài ngày nhưng cũng có khi kéo dài tới 1-2 tuần, nhất là với các cháu chưa biết cách khạc đờm.
3. Viêm phổi: Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Trẻ bị viêm phổi thường có các triệu chứng như: sốt cao, ho, thở nhanh, trường hợp nặng, cánh mũi trẻ phập phồng hoặc co rút lồng ngực. Cần phải đưa trẻ tới cơ sở y tế khám và chữa trị  kịp thời bằng thuốc kháng sinh, trẻ sẽ nhanh khỏi. 
Cách phòng các bệnh hô hấp vào mùa xuân là đảm bảo chế độ ăn uống vệ sinh, cho trẻ mặc đủ ấm. Khi trẻ mắc bệnh, phải điều trị kịp thời, dùng thuốc đủ liều lượng theo sự hướng dẫn của thầy thuốc. 
Trong tủ thuốc gia đình nên có sẵn nhiệt kế, thuốc hạ sốt, dung dịch nhỏ mũi, mắt, gói oresol... để dùng khi cần thiết. Ngoài chăm sóc ăn uống và phòng chống lạnh, tránh gió lùa, có thể nhỏ mũi cho trẻ bằng dung dịch sunfarin hoặc natriclorid 0,9%, không cho trẻ ốm đi nhà trẻ, mẫu giáo để tránh lây lan cho trẻ khác.
P.N