Thứ Năm, 8 tháng 3, 2012

Trẻ béo mập cũng dễ bị còi xương


Còi xương không chỉ những trẻ suy dinh dưỡng mắc phải mà cả những trẻ béo mập cũng dễ bị còi xương. Vì thế đề phòng bệnh còi xương cho trẻ rất quan trọng.

Còi xương là một bệnh có liên quan đến rối loạn chuyển hóa canxi, phôtpho do cơ thể thiếu vitamin D và thường gặp ở trẻ đang thời kỳ lớn nhanh. Trẻ bị còi xương ngoài việc điều trị vitamin D theo hướng dẫn của thầy thuốc, cần chú ‎ý đến chế độ ăn của trẻ.

Cho trẻ bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu, không cai sữa trước 12 tháng. Trẻ 6 tháng tuổi cho ăn bổ sung những thức ăn giàu chất dinh dưỡng và giàu canxi, phốtpho như: tôm, cua, cá, sữa, đậu đỗ và các loại rau xanh, chú ‎ý thêm dầu mỡ để tăng cường hấp thu vitamin D. Nếu cho trẻ ăn nước ninh xương thì rất ít canxi và khó hấp thu. Cho trẻ uống thêm nước hoa quả và quả chín.

Muốn phòng bệnh còi xương cho trẻ phải phòng bệnh ngay từ khi  còn là bào thai, người mẹ phải ăn uống đủ chất, chú ‎‎ý tăng cường những thực phẩm có nhiều canxi như: tôm, cua, cá, trứng, sữa, đậu đỗ trong suốt thời gian mang thai.

Cho trẻ bú sớm ngay trong vòng 1 giờ đầu sau đẻ để tận dụng sữa non, cho trẻ bú đến 18 tháng hoặc 24 tháng, vì trong sữa mẹ tỉ lệ Ca/Phốtpho rất thích hợp cho việc hấp thu của trẻ.

Cho trẻ tắm nắng ngay trong tháng đầu sau đẻ vào buổi sáng từ 10 đến 15 phút, chỉ cần để hở 2 cẳng chân cho da trẻ tiếp xúc với ánh nắng. Nơi ở của trẻ cần thoáng mát, sạch sẽ, nhiều ánh nắng mặt trời…Nếu thấy trẻ có dấu hiệu còi xương cần hỏi ‎ý kiến thầy thuốc để sớm có hướng điều trị.
N.P

Đừng nên nghiện càphê, chè đặc


Thói quen uống càphê, chè đặc hiện nay không phải chỉ của người già mà đa số các nam thanh, nữ tú đều đang nghiện hai thức uống này. Liệu thói quen này có hại cho sức khỏe?

Các chuyên gia dinh dưỡng khẳng định, chè và càphê là những loại nước uống có giá trị dinh dưỡng. Trong chè có tanin, cafein, tinh dầu, vitamin, protid và khoáng chất. Càphê chứa lipid, protid, chất khoáng và cafein.

Chè và càphê đều có chứa cafein nên có tác dụng kích thích hệ thần kinh T.Ư, hoạt động tim mạch, thận và ống tiêu hóa. Chè khô có chứa 2,5 -4% cafein, còn trong càphê lượng cafein là 0,6-2,4%. Tuy lượng cafein trong càphê thấp hơn chè nhưng có tác dụng mạnh hơn chè vì chúng ta thường dùng tới 10-15g càphê để pha 1 cốc cà phê, còn chè thì dùng ít hơn.

Vì vậy khi uống nhiều càphê và nước chè đặc thì không có lợi cho sức khỏe. Hệ thần kinh T.Ư, hệ tim mạch, hệ tiêu hóa và thận luôn bị kích thích ở trạng thái hưng phấn. Đặc biệt, đối với những người bị bệnh tim, tăng huyết áp không nên dùng càphê và nước chè đặc.

Nên uống càphê và nước chè vào buổi sáng, không nên uống vào buổi tối trước khi đi ngủ sẽ gây mất ngủ. Nghiện càphê và nước chè đặc còn làm răng bị xỉn màu, ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
P.N

Không ăn thịt mỡ mà vẫn béo phì?

Mặc dù đã loại bỏ hẳn thịt mỡ trong khẩu phần ăn nhưng một số người vẫn trong tình trạng thừa cân, béo phì.

Giải thích về hiện tượng này, các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, nguyên nhân béo phì rất đa dạng và phức tạp, ăn thịt mỡ chỉ là một trong các nguyên nhân gây béo, có thể không ăn thịt mỡ nhưng lại ăn quá nhiều các thức ăn khác như ăn quá nhiều đồ ngọt: đường, bánh kẹo, nước ngọt…hoặc ăn quá nhiều chất bột như: cơm, bánh mì…cũng gây béo phì.
Vì đường và chất bột khi vào cơ thể một phần được đốt cháy để cung cấp năng lượng, phần còn lại dư thừa sẽ chuyển thành mỡ nên dễ bị béo phì.
Tuy không ăn thịt mỡ nhưng hay ăn các món xào, rán, quay nhiều mỡ, hoặc ăn quá nhiều cũng gây béo. Béo phì còn do ít hoạt động thể lực và có thể còn do yếu tố di truyền nữa.
Việc giảm cân đối với trẻ em luôn khác với người lớn. Khi trẻ bị béo rồi thì chỉ hạn chế dầu mỡ trong bữa ăn chứ không cấm ăn dầu mỡ. Vì dầu mỡ ngoài cung cấp năng lượng còn là dung môi hòa tan các loại vitamin tan trong dầu như: vitamin A phòng bệnh khô mắt, giúp trẻ phát triển thể lực, vitamin D chống bệnh còi xương, vitamin K,E tham gia vào nhiều chức phận trong cơ thể.
Đối với trẻ nhỏ dưới 2 tuổi vẫn có thể cho ½-1 thìa dầu hoặc mỡ vào 1 bát bột hoặc cháo của trẻ. Đối với trẻ lớn không nên cho ăn các loại thịt mỡ, da các loại gia cầm như ngan, gà, vịt. Khi nấu các món xào, rán cho ít dầu, mỡ hơn. Với trẻ béo điều quan trọng là vận động để tiêu hao năng lượng chứ không nên nhịn ăn để giảm béo.
P.N

Chống rét, không phải lúc nào cũng mặc ấm


Đợt rét bất thường này đã khiến nhiều trẻ nhỏ phát ốm vì các chứng bệnh viêm phổi, hen phế quản… Đáng chú ý là do quá lo lắng nên nhiều phụ huynh “chăn trong chăn ngoài” ủ ấm sai cách khiến trẻ ốm mãi không khỏi.

Đầu giờ sáng, khoa Khám bệnh, siêu âm, xét nghiệm… của BV Nhi T.Ư đã đông trẻ đến khám. Bệnh nhi chủ yếu mắc các chứng bệnh liên quan đến đường hô hấp, tiêu chảy, nóng sốt….
Trẻ đến khám tại BV Nhi T.Ư.
Trẻ đến khám tại BV Nhi T.Ư.
Do là đợt rét đậm bất thường vào cuối đông đã khiến nhiều gia đình chủ quan trong việc ăn mặc cho trẻ. Chỉ đến khi con có biểu hiện ốm, các bậc cha mẹ mới tá hỏa tìm đến bác sĩ. Chị Đinh Thị Trà (Đội Cấn, Ba Đình, HN) cho biết: “Hôm trước trời ấm áp tạnh ráo cứ nghĩ hết đợt rét đậm nên không dự phòng quần áo ấm cho con đến lớp. Tối về ngủ, cháu ho khù khụ, nóng sốt làm cả nhà hoảng sợ… Sớm nay tôi phải cho cháu đi viện khám”.
BS. Cấn Phú Nhuận, Khoa khám bệnh (BV Nhi T.Ư) còn cho biết, một số cha mẹ khác lại mắc sai lầm khi ủ quá ấm cho trẻ khiến cơ thể toát mồ hôi, thấm ngược vào trong cơ thể trẻ sinh ra ốm, viêm phổi, viêm phế quản.
Vì vậy, cha mẹ không nên quá sốt sắng “độn” hết lớp này đến lớp khác cho con mà chỉ nên ủ ấm chân tay cho trẻ khi sờ thấy lạnh hoặc dùng khăn nhúng nước ấm khoảng 37 độ đắp cho trẻ. Phần còn lại phải cởi áo cho thoáng khí và đặt trẻ ở phòng khuất gió. Hạn chế tối đa cho trẻ ra ngoài trời lạnh, kể cả với trẻ đã cứng cáp 3-4 tuổi.
Thời tiết lạnh, trẻ rất dễ nhiễm cúm, tránh cho trẻ tiếp xúc nơi đông người. Người chăm sóc trẻ cần thực hiện ăn sạch, uống sạch, đồ chơi của trẻ sạch, rửa tay bằng xà phòng cho trẻ (dưới 5 tuổi) và người chăm sóc trẻ nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước khi cho trẻ ăn và sau khi đi vệ sinh.
D.Hải

Thứ Tư, 7 tháng 3, 2012

Huyết áp thấp cũng có thể dẫn đến tai biến mạch máu não


Chị em phụ nữ khi có hiện tượng mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt thường chủ quan và cho rằng do thay đổi thời tiết, do gặp lạnh, áp lực công việc, stress… Đây là triệu chứng đặc trưng của bệnh huyết áp thấp mà chị em thường bỏ qua.
Theo các bác sĩ, chị em phụ nữ thường rất chủ quan và chưa có hiểu biết đúng về căn bệnh huyết áp thấp. Nhiều người nghĩ rằng, những triệu chứng này là do ăn uống không tốt, thể trạng yếu…mà không coi đó là bệnh và chỉ cần nghỉ ngơi sẽ khỏi. Vấn đề cốt lõi của bệnh huyết áp thấp là vấn đề liên quan đến tim mạch thì ít người biết đến.

Huyết áp thấp gây ra những hậu quả nghiêm trọng không kém gì huyết áp cao. Nếu người bệnh chủ quan, để tình trạng huyết áp thấp kéo dài có thể dẫn đến tai biến mạch máu não  (tỉ lệ này chiếm 10-15%). Sự hiểu biết của bệnh nhân về bệnh huyết áp thấp còn rất thấp. Các nghiên cứu cho thấy, hơn 70% bệnh nhân không biết mình bị huyết áp thấp, hơn 80% bệnh nhân bỏ qua triệu chứng của bệnh.

Huyết áp thấp làm suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh nhưng không phải ai cũng nhận thức được vấn đề này để có những biện pháp dự phòng và điều trị dứt điểm.

Theo lời khuyên của bác sĩ, cần biết lắng nghe cơ thể một cách kịp thời, không nên chủ quan, coi thường các dấu hiệu bất thường của sức khỏe để tránh những hậu quả đáng tiếc do huyết áp thấp gây ra. Ngay khi bị hoa mắt, chóng mặt, choáng váng…hãy nghĩ đến bệnh huyết áp thấp và cấn đến các cơ sở y tế để kiểm tra và chẩn đoán bệnh.

Có nên ăn hoa quả thay cho rau?


Nhiều người không thích ăn rau, nhất là trẻ nhỏ thường chọn cách ăn nhiều hoa quả thay cho rau.

Nói về vấn đề này, chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, hoa quả đúng là rất qu‎í, rất có ích cho cơ thể song nếu dùng hoa quả thay rau xanh là không hợp lí. 
Bởi vì, hàm lượng vitamin và các chất khoáng trong rau xanh cao hơn trái cây nhiều. Ví dụ hàm lượng caroten, các loại vitamin, khoáng chất trong rau giền cao gấp 2-6 lần trong cam, chanh. Các chất xơ trong rau còn có tác dụng chống táo bón. Một số loại rau gia vị còn có tác dụng chữa trị nhiều bệnh và là nguồn kháng sinh thực vật rất quí như: hành, cà rốt, tỏi, tía tô… 
Như vậy, rau có ‎ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sức khỏe. Nên người lớn trong bữa cơm cần có rau xanh các loại. Đối với trẻ nhỏ bên cạnh việc uống nước cam, chanh, ăn dưa hấu, hồng xiêm…các bà mẹ cần nhớ cho thêm rau xanh mỗi khi nấu bột, nấu cháo, cơm cho con. Vì càng ăn nhiều các loại rau, hoa quả thì càng cung cấp đủ viatmin, khoáng chất cần thiết cho cơ thể. 
Hiện nay có nhiều trẻ không chịu ăn rau do bố mẹ quan niệm rau không có chất bổ, cho trẻ ăn rau dễ bị tiêu chảy, chế biến phức tạp…Đây là quan niệm sai lầm. Nên tập cho trẻ ăn rau từ thời kì bắt đầu ăn bổ sung. Trẻ dưới 2 tuổi cho trẻ ăn rau bằng cách thái, băm, giã nhỏ lá rau xanh cho lẫn vào bột hoặc cháo, tăng dần từ ít đến nhiều và thay đổi các loại rau trong bữa ăn hàng ngày của trẻ.
Với trẻ lớn từ 3 tuổi trở lên, lúc đầu có thể thái nhỏ, nấu canh dạng súp trộn lẫn với cơm cho trẻ em. Có thể nấu canh rau mùng tơi, rau đay với cua, rau ngót nấu với thịt, rau cải nấu cá rô, cá quả…Trẻ lớn hơn có thể ăn rau luộc, rau xào…
P.N